Lời nhắn nhủ của Chủ tịch tập đoàn CEO tới sinh viên trường Cao đẳng Đại Việt
Các em sinh viên Đại Việt thuộc Tập đoàn CEO thân mến! Tôi đã đến hàng trăm nước khắp 5 châu, bốn biển trong 2 năm qua để cập nhật thế giới hậu Covid-19. Những gì tôi nhìn thấy, ngửi thấy, nếm thấy, cảm nhận thực tế thôi thúc tôi chia sẻ với các bạn những điều sau đây với mong muốn các bạn hiểu hơn về đất nước của chúng ta so với thế giới, yêu quê hương mình hơn, hành động gì đó để góp phần nhỏ bé đưa đất nước mình phát triển:
Đổi mới và Luật Doanh nghiệp là 2 từ khóa quan trọng để Việt Nam có nền kinh tế hôm nay.
Công cuộc Đổi mới bắt đầu từ năm 1986 nhưng những thay đổi thực sự chỉ bắt đầu từ năm 1995 khi Việt Nam ra nhập ASEAN và Mỹ bỏ cấm vận. Tức là được hội nhập với thế giới và được thế giới công nhận tham gia cuộc chơi với họ. Sau đó, năm 2006, Việt Nam ra nhập WTO và tham gia sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu với 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và 2 FTA đang đàm phán. Phần lớn các nước phát triển G20, G7 hay các nước trong top 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới đều có thời gian hòa bình và phát triển dài hơn rất nhiều so với chúng ta.
Chỉ mới 28 năm thôi, từ một nền kinh tế kế hoạch hóa đứng gần bét bảng, kinh tế Việt Nam đã leo lên xếp thứ 32 thế giới với GDP trên 400 tỷ USD. Đây thực sự là bước tiến lớn!
Thời điểm này, dân số Việt Nam đã đạt 100 triệu người, giữ vị trí 15 thế giới. Quy mô dân số này tạo ra một thị trường lớn với nhu cầu đa dạng, vô cùng hấp dẫn các nhà đầu tư toàn cầu. Dân số còn đang trong giai đoạn vàng tạo ra nguồn nhân lực dồi dào cho nền kinh tế, hấp dẫn FDI.
Nguồn lực con người luôn là nhân tố quyết định, nhất là nguồn lực trẻ. Trẻ mới khỏe, trẻ mới có nhiều giấc mơ, trẻ mới dám dấn thân, trẻ mới có đủ thời gian để “thử” thất bại. Mà thất bại là mẹ thành công.
Nhật Bản đang là bài học lớn về già hóa dân số và mức độ dân số giảm. Dân số Nhật Bản giảm mạnh đến mức không còn đủ nhân lực để làm việc trong nền kinh tế! Nhật Bản đang phải nhập khẩu lao động từ Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Myanma và đặc biệt là Việt Nam. Nhật Bản hiểu rõ một lúc nào đó những nước đang cung cấp nguồn nhân lực chính cho họ cũng phát triển và nguồn nhân lực sẽ ở lại, không đủ để xuất khẩu sang Nhật nữa. Hiện nay, chính phủ Nhật Bản đang phải thay đổi theo hướng nới lỏng chính sách quốc tịch cho các thế hệ F3, F4 có dòng máu Nhật Bản ở nước ngoài, đặc biệt là người gốc Nhật tại Brasil. Có hơn 2 triệu người gốc Nhật tại đây. Sắp tới, có thể chính sách quốc tịch của Nhật Bản còn phải mở hơn nữa. Nói đơn giản là Nhật Bản nhiều việc mà lại ít người. Đã thế, nhiều người già quá! Chúng ta đang có lợi thế và cần tận dụng tối ưu lợi thế này.
Sinh viên Ngành Kỹ thuật chế biến món ăn – Trường Cao đẳng Đại Việt
Định nghĩa về người nghèo là người có thu nhập nhỏ hơn 50% thu nhập trung bình theo đầu người của quốc gia. Theo chuẩn này thì người nghèo vẫn còn nhiều ở miền núi, nông thôn, hải đảo nhưng không ai còn đói nữa. Công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam đã được thực hiện quá tốt.
Sinh ra và lớn lên ở nông thôn, đã từng bị đói khi mất mùa những năm cuối thập niên 80 trước khi thủy điện Hòa Bình được xây dựng, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay lớn lao đã diễn ra trong 3 thập kỷ qua. Đây là thành tích được LHQ công nhận.
Hãy nhìn sang châu Phi, mà điển hình là Nam Phi – quốc gia phát triển hàng đầu ở lục địa này, tỷ lệ thất nghiệp lên đến 40%! Cứ 10 người thì 4 người không có việc làm. Ăn xin khắp nơi. 10% người da trắng chi phối toàn bộ nền kinh tế, sở hữu đến 80% đất đai quốc gia.
Ấn Độ đến nay còn 21% người nghèo cùng cực (extreme poverty), tức là trên 300 triệu người chỉ có thu nhập dưới 1.95USD/người/ngày. Để dễ hình dung, nếu chúng ta chỉ có 45.000 đồng/ngày/người với tất cả các chi phí cho nhà ở, ăn, uống, đi lại, quần áo, học tập, y tế, ma chay, cưới xin… thì thế nào nhỉ? bạn hãy thử cầm 45.000 đồng và ra khỏi nhà để sống đủ 24 tiếng xem sẽ cơ cực ra sao?! Nếu bạn nào muốn thử, nhớ gọi tôi nhé.
Hay nhìn vào các khu ổ chuột khắp thế giới để hiểu thêm và tự hào về những gì chúng ta làm được trong thời gian qua. Orangi được coi là slum lớn nhất thế giới tại Karachi, Pakistan với 2.4 triệu người; Ciudad Neza tại thủ đô Mexico đứng thứ 2 với 1.2 triệu người; Nam Phi có Soweto, Alexandra và có cả khu slum của người da trắng tại Gauteng. Kenya có khu ổ chuột Kibera. Ngay tại Seul, Hàn Quốc cũng có làng ổ chuột Guryong. Nghĩa trang bắc Manila, Philippine là chốn dung thân của những người rất nghèo. Còn Cite Solei (Thành phố Mặt trời) ở Haiti là slum nguy hiểm nhất với 400 nghìn người đang sinh sống trong nỗi ám ảnh của bạo lực và bất ổn. Brasil có hàng nghìn Favelas ở ngoại ô Rio với nhà không số, phố không tên, đầy tệ nạn xã hội.
Nếu bạn đi TQ, bạn không thể dùng các mạng xã hội quốc tế phổ biến như FB …
Ở Ấn Độ, internet và wifi rất kém. Ấn Độ được xem là cường quốc IT cơ mà. Vấn đề là họ muốn kiểm soát xã hội.
Ở Cuba, bạn chỉ có thể sử dụng internet trong các khách sạn 5 sao với thời lượng giới hạn.
Ethiopia – quốc gia có dân số lớn thứ 2 châu Phi sau Nigeria với trên 110 triệu dân và là ngôi sao châu Phi đang lên với tốc độ tăng trưởng GDP 10%/năm cũng chỉ cho phép sử dụng mạng xã hội trong các khách sạn quốc tế với chất lượng mạng chập chờn….
Nhiều người bạn Mỹ từ Hiệp hội bất động sản Hoa Kỳ đã từng đến Ấn Độ và Việt Nam đều nói hạ tầng viễn thông Việt Nam rất tốt. Các bạn không thấy có sự khác biệt nào so với Mỹ. Đa số người dân sử dụng smartphone đời mới, internet, wifi không chê vào đâu được! Dân chủ trên mạng xã hội thể hiện dân chủ trong xã hội.
Wifi phủ sóng miễn phí ở các nhà hàng, quán cafe, thậm chí là …quán trà đá vỉa hè. Ảnh sưu tầm.
Người Việt Nam đang được hưởng lợi về thuế, nhất là thuế thu nhập cá nhân liên quan đến tài sản nói chung và bất động sản nói riêng. Việt Nam chưa có thuế tài sản trong đó có thuế bất động sản, thuế thừa kế, thuế trao tặng. Thuế tài sản chưa được áp dụng cùng với sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu đang hỗ trợ mạnh cho vấn đề sở hữu nhà ở và bất động sản du lịch. Hầu hết các nước phát triển đều có thuế tài sản. Các nước châu Âu đánh thuế thu nhập cá nhân rất cao.